Hiểu biết về tiêm phòng các bệnh thường gặp trên đàn vật nuôi
Tiêm phòng là một trong những biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho đàn gia súc, gia cầm. Khi đàn gia súc, gia cầm được tiêm đúng, tiêm đủ các loại vắc xin sẽ tạo hệ miễn dịch chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, bảo vệ sức khỏe động vật, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ sức khoẻ con người. Việc chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là quy định bắt buộc của Nhà nước đối với mỗi cá nhân, tổ chức có chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong những năm gần đây, do biến đổi của khí hậu, tình hình thiên tai, dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan và bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm như Bệnh dịch tả lợn Châu Phi; Bệnh Viêm da nổi cục trâu bò, Bệnh lở mồm long móng, Bệnh Dại chó, cúm gia cầm tăng cao. Nhiều địa phương xuất hiện dịch trên diện rộng, làm nhiều gia súc, gia cầm mắc bệnh và chết, gây thiệt hại lớn về kinh tế, an sinh xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường Vì vậy, việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi hiện nay là vô cùng quan trọng và nó trở thành một công tác không thể thiếu trong quy trình chăn nuôi.
Để biết được sự nguy hiểm của các loại bệnh thường gặp, con đường lây bệnh, triệu chứng ở đàn gia súc gia cầm chúng tôi sẽ giới thiệu cho bà con nhân dân trong xã nắm được một số bệnh thường gặp.
Dịch tả lợn Châu Phi :
Không giống như cúm lợn, dịch tả lợn Châu Phi không có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Bệnh tả lợn hiện không thể gây bệnh trên người nhưng có khả năng lây truyền sang các loài vật ruồi, muỗi, chuột, mèo, và gia cầm như gà, vịt. Lợn bị bệnh tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác, chẳng hạn như tai xanh, cúm, sốt thương hàn... Những bệnh này mới chính là tác nhân gây nguy hiểm cho người, bởi khả năng làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt là khi ăn tiết canh, ăn thịt heo nhiễm bệnh nhưng chưa nấu chín kỹ.
Con đường lây bệnh
Bệnh lây nhiễm từ qua đường hô hấp và đường tiêu hóa, Thông qua việc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật nhiễm virus như: lợn nhiễm bệnh, chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus và thức ăn chứa thịt lợn nhiễm bệnh.
Bệnh không lây sang người tuy nhiên người là một tác nhân gây phát tán bệnh.
Triệu chứng và bệnh tích.
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3 - 15 ngày, với thể cấp tính thời gian ủ bệnh từ 3 - 4 ngày. Các triệu chứng trên lợn bệnh tùy từng thể khác nhau.
Thể quá cấp tính
Lợn chết nhanh, thường không biểu hiện triệu chứng lâm sàng hoặc lợn nằm và sốt cao trước khi chết.
Thể cấp tính:
Lợn sốt cao khoảng 40,5 - 42 độ C.
Lợn 2-3 ngày đầu tiên không ăn, lười vận động, nằm chồng đống, thích nằm chỗ gần nước.
Lợn di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là các vùng như: tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng có thể có màu xanh tím.
Sau đó khoảng 1-2 ngày trước khi lợn chết có biểu hiện triệu chứng thần kinh, đi lại không vững, thở gấp khó thở, có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón.
Lợn chết trong vòng 6-13 ngày hoặc có thể kéo dài đến 20 ngày. Lợn mang thai có thể gây sẩy thai, tỉ lệ chết cao gần như 100%
Trường hợp lợn khỏi bệnh hoặc nhiễm virus không triệu chứng sẽ mang virus cả đời và là nguồn lây nhiễm bệnh.
Thể á cấp:
Lợn sốt nhẹ, hoặc không sốt, giảm ăn, sụt cân, ho và khó thở. Đi lại khó khăn, viêm khớp, lợn mang thai có thể sẩy thai.
Lợn chết sau khoảng 15-45 ngày, tỷ lệ chết ở thể này khoảng 30-70%.
Bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò:
Bệnh gây thiệt hại về năng suất do sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng và có thể chết nhiều ở trâu, bò giai đoạn còn non hoặc trâu, bò già sức đề kháng kém.
Con đường lây bệnh:
Truyền lây chủ yếu qua côn trùng hút máu như muỗi, ruồi, ve
Do vận chuyển gia súc nhiễm bệnh từ vùng dịch.
Do tiếp xúc trực tiếp giữa gia súc bị bệnh và gia súc khỏe mạnh.
Do sử dụng chung dụng cụ: máng ăn, máng uống, dụng cụ dẫn tinh, kim tiêm khi điều trị bệnh
Triệu chứng, bệnh tích:
Trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu như : sốt cao, có thể trên 41°C, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu, giảm khả năng tiết sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt (hạch trước vai, hạch sau đùi). Hình thành các nốt sần có đường kính từ 2 đến 5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới. Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng; để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn. Các mụn nước, vết hoại tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng và đường tiêu hóa cũng như trong khí quản và phổi. Chân và các bộ phận vùng bụng khác của cơ thể, như bao da, ức, bìu và âm hộ, có thể bị tiết dịch, khiến con vật không muốn di chuyển.
Bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời, bò mang thai có thể sảy thai và động dục trong vài tháng. Một số động vật bị bệnh không biểu hiện triệu chứng nhưng mang vi rút trong máu và có thể truyền bệnh cho động vật khỏe thông qua côn trùng hút máu.
Bệnh lỡ mồm lỡ móng:
Hiện nay, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, dễ tạo điều kiện cho virus lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục phát triển và gây bệnh trên đàn gia súc. Đây là bệnh nguy hiểm có thể nhanh chóng bùng phát thành dịch, gây thiệt hại kinh tế cho các hộ dân chăn nuôi gia súc. Bệnh có tính chất lây lan rất nhanh, mạnh và xa là đại dịch lưu hành gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Khi con vật mắc bệnh thể độc lực cao dẫn đến tỷ lệ chết ở gia súc mắc bệnh lên đến 50%, đặc biệt đối với lợn con thì tỷ lệ chết có thể lên đến 100%.
Con đường lây bệnh
Bệnh lở mồm long móng do vi rút gây nên. Ở Việt Nam đã phát hiện chủ yếu 3 type gây bệnh là A, O và Asia1. Động vật mắc bệnh lở mồm long móng là các loài động vật có móng guốc chẵn như: trâu, bò, lợn, dê, cừu, hươu,...
Vi rút có trong nước bọt, phân, nước tiểu, tinh dịch, sữa, dịch trong các mụn mủ của con bệnh hoặc ở trong không khí, dụng cụ môi trường ;
Lây trực tiếp do nhốt chung con bệnh với con khỏe;
Lây gián tiếp qua người chăm sóc, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, ở các bãi chăn thả, chất thải chăn nuôi, môi trường có mầm bệnh;
Lợn sau khi khỏi bệnh vẫn bài thải vi rút trong 1-2 tháng, trâu bò có thể thải vi rút trong 3-6 tháng, thậm chí mang vi rút hàng năm, vì vậy trâu bò có thể lây bệnh do chăn thả cùng khu vực;
Bệnh lây lan mạnh, có thể từ nước này sang nước khác theo đường vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ở dạng tươi sống (thịt cấp đông, da, xương, sừng, móng, sữa, lông... ).
Triệu chứng bệnh tích.
Ở trâu, bò: Thời gian nung bệnh từ 2 - 5 ngày, có thể đến 21 ngày. Trâu, bò mắc bệnh, trong 2, 3 ngày đầu sốt cao trên 400C, kém ăn hoặc bỏ ăn, miệng chảy nhiều dãi và bọt trắng như bọt xà phòng; viêm dạng mụn nước ở lợi, lưỡi, vành mũi, vành móng, kẽ móng, đầu vú. Khi mụn nước vỡ ra làm lở loét mồm và dễ làm long móng.
Ở lợn: Thời gian nung bệnh 2 - 4 ngày, có thể đến 21 ngày. Lợn mắc bệnh, sốt cao liên tục 40 - 41,50C; lợn chảy dãi, xuất hiện những mụn nước ở vùng quanh móng chân, bàn chân, kẽ móng, các mụn này phát triển thành mảng lớn, vỡ ra, tạo vết loét. Lợn bị bệnh ngại vận động, hay nằm, ăn ít; lợn bị bệnh nặng, có thể di chuyển bằng đầu gối, gây sây sát ở đầu gối. Ở lợn nái, mụn có thể mọc ở núm vú, gây đau nên lợn mẹ không cho lợn con bú, mụn vỡ tạo vết loét có thể gây viêm vú. Lợn nái mang thai sẽ bị sảy thai.
Dê, cừu: Thời gian nung bệnh 2 - 7 ngày, dê, cừu mắc bệnh, sốt cao 41,50C trong 2 - 4 ngày, xuất hiện những mụn nước dầy đặc xung quanh miệng, sau đó đến chân, vú; mụn nước vỡ ra làm lở loét miệng nên dê, cừu đau miệng khó ăn.
Ở thể huỷ diệt, triệu chứng xuất hiện ở đường tiêu hoá hoặc viêm phổi, gia súc chết nhanh trong vòng 12 - 20 giờ nên chưa có triệu chứng nào khác.
Bệnh tích điển hình của bệnh lở mồm long móng là các mụn nước và vết loét ở miệng, móng, vú. Ở thể huỷ diệt có những biến đổi ở cơ vân, cơ tim, có thể gây viêm gan, thận và biến đổi ở lách.
Bệnh dại:
Bệnh dại là bệnh gây ra bởi virus dại (Rabies virus). Đây là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thần kinh trung ương, lây truyền bởi chất tiết, thông thường do vết cắn, vết liếm của động vật mắc dại. Nước dãi của động vật bị dại cũng có thể truyền bệnh dại với người nếu tiếp xúc với mắt, miệng hoặc mũi. Chó là động vật bị dại phổ biến nhất. Hơn 99% các trường hợp mắc bệnh dại thường là do chó cắn.
Con đường lây bệnh:
Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn, liếm. Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên thông thường là động vật có máu nóng, đặc biệt là chó. Ngoài ra, virus dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác.
Ngay khi vào cơ thể, virus dại xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy dọc theo các dây thần kinh đến tủy sống và não bộ. Mỗi ngày, virus dại di chuyển được đoạn đường từ 12-24mm. Ngay khi virus đến não bộ, người bệnh mới thật sự có những dấu hiệu lâm sàng rõ ràng.
Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Triệu chứng và bệnh tích:
Thời gian từ khi mắc bệnh và bắt đầu xuất hiện các triệu chứng thường là 10 ngày đến 3 tháng, hy hữu có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào khoảng cách virus từ vết cắn di chuyển dọc theo dây thần kinh ngoại biên để đến hệ thần kinh trung ương. Triệu chứng của bệnh dại
Bệnh dại khi phát sẽ có 2 thể chính bao gồm thể viêm não và thể liệt:
Thể viêm não: Triệu chứng đầu tiên là sốt, nhức đầu hoặc kiệt sức, kèm theo chán ăn, mất ngủ, bồn chồn, đồng thời xuất hiện triệu chứng sợ nước, sợ gió. Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân tăng tiết nước bọt nên không thể nhai, nuốt và thường xuyên khạc nhổ. Sau đó, đồng tử bệnh nhân sẽ bị giãn nên mắt nhìn sáng long sòng sọc, co thắt hầu họng, xuất tinh tự nhiên, cường dương và sẽ tử vong nhanh chóng
Thể liệt: Xuất hiện triệu chứng liệt từ tay, chân đến các cơ, rối loạn tiểu tiện, đại tiện. Ngay khi liệt lan đến cơ hô hấp thì bệnh nhân sẽ tử vong.
Trong một số trường hợp, người bị chó cắn vì quá lo sợ nên đã ám ảnh mình bị dại và sinh ra nhiều biểu hiện, hành động và âm thanh khác thường. Đó là những trường hợp được cho là giả dại. Trên thực tế, người bị dại sẽ hoàn toàn tỉnh táo cho đến lúc chết chứ không hề điên dại.
Bệnh cúm gia cầm:
Cúm gia cầm ở người là bệnh truyền nhiễm do virus có thể lây nhiễm không chỉ cho chim, mà cả con người và các động vật khác. H5N1 là dạng cúm gia cầm phổ biến nhất, nó có thể gây chết cho chim và dễ dàng ảnh hưởng đến con người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, H5N1 được phát hiện lần đầu tiên ở người vào năm 1997 và đã giết chết gần 60% người mắc bệnh.
Con đường lây bệnh:
Mặc dù có một số loại dịch cúm gia cầm, nhưng H5N1 là virus cúm gia cầm đầu tiên lây sang người gây bệnh cúm gia cầm hay còn gọi là cúm chim (tên tiếng Anh Bird flu hoặc avian influenza), ca mắc bệnh đầu tiên được phát hiện tại Hồng Kông vào năm 1997. Nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát dịch này là do các vấn đề liên quan đến xử lý gia cầm bị nhiễm bệnh chưa thực hiện tốt.
Triệu chứng và bệnh tích.
Các dấu hiệu và triệu chứng của cúm gia cầm bắt đầu trong vòng hai đến bảy ngày kể từ khi nhiễm bệnh, tùy thuộc vào loại virus cúm gia cầm. Phần lớn các trường hợp, nhìn chung triệu chứng của bệnh cúm gia cầm giống với bệnh cúm thông thường, bao gồm: ho, sốt, viêm họng, đau cơ, đau đầu, khó thở. Một số người cũng có thể có triệu chứng buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy. Và trong một vài trường hợp, nhiễm trùng mắt nhẹ (viêm kết mạc) là dấu hiệu duy nhất của bệnh.
Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy đàn gia súc, gia cầm được tiêm đúng, tiêm đủ các loại vắc xin theo đúng yêu cầu sẽ có tác dụng miễn dịch chống lại các dịch bệnh, giảm thiệt hại kinh tế cho gia đình, góp phần bảo vệ sức khỏe của người dân và cả cộng đồng. Làm tốt công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh động vật sẽ giúp con người tránh được những hiểm họa của các dịch, bệnh trên động vật có khả năng lây sang người như cúm gia cầm, bệnh dại...
Theo quy định tại Nghị định 90/2017 ngày 31/7/2017 của Chính phủ Những hộ không chấp hành tiêm phòng sẽ bị xử phạt nghiêm minh cụ thể như sau:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật.
2. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng.
Mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm chấp hành công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi của gia đình theo quy định.
Nguyễn Thảo |
- Quýt da xanh Thanh Tân
- Mật ong Thanh Tân
- xây dựng NTM xã Thanh Tân
- Công an Huyện tổ chức lễ bàn giao nhà Mái ấm cho hộ nghèo tại xã Thanh Tân.
- kỳ họp thứ 11 của Hội đồng nhân dân xã Thanh Tân
- Ngày 5/7/2024, Đảng ủy xã Thanh Tân tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Tổ chức trao huy hiệu Đảng cho đảng viên đủ 30, 40, 50 năm tuổi Đảng.
- HỘI NCT XÃ THANH TÂN: TỔNG KẾT 5 NĂM PHONG TRÀO "NGƯỜI CAO TUỔI THAM GIA XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CƠ SỞ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH" GIAI ĐOẠN 2019-2024
- Chuyển đối số, kinh tế kiến tạo là xu thế năm 2024
- cảnh báo nắng nóng
- Hiểu biết về tiêm phòng các bệnh thường gặp trên đàn vật nuôi
Công khai kết quả giải quyết TTHC
ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH
02373.742.289